Bán hàng online trên các app đặt đồ ăn như GrabFood, Shopee Food, Baemin là giải pháp tất yếu cho các quán ăn, cafe, trà sữa trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Khi kinh doanh trên ứng dụng đặt đồ ăn, quán phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt vì nhà nhà bán app, người người bán app.
Vậy phải làm sao để tạo lợi thế cạnh tranh cho quán khi bán trên ứng dụng? Bài viết dưới đây Blog Sapo hướng dẫn quán cách tối ưu gian hàng trên app đặt đồ ăn để quán tiếp cận được với nhiều hơn khách hàng, đồng thời tăng trưởng lượng đơn hàng cũng như doanh thu.
1. Trở thành đối tác chính thức của các app giao đồ ăn
Trước tiên, quán hãy đăng ký trở thành đối tác của các ứng dụng giao đồ ăn như Grab, Now/ Shopee Food, Baemin, Go Food, Loship. Đối với từng app sẽ có quy định về mức chiết khấu cũng như mức chi phí kết nối riêng. Quán cần chuẩn bị hồ sơ gồm có CMND, đăng ký kinh doanh, ảnh mặt tiền của quán, thực đơn, giá bán, thông tin món ăn để gửi hồ sơ đăng ký.
Quán có thể xem hướng dẫn dưới đây để đăng ký trở thành đối tác chính thức của các app giao đồ ăn:
- Hướng dẫn đăng ký GrabFood
- Hướng dẫn đăng ký Now/ Shopee Food
- Hướng dẫn đăng ký Baemin
- Hướng dẫn đăng ký Go Food
- Hướng dẫn đăng ký Loship
Sau khi được đối tác ứng dụng tiếp nhận hồ sơ đăng ký, quán hãy nhanh chóng xác nhận thông tin để trở thành đối tác chính thức (quán yêu thích, quán ngon chuẩn…) của các đối tác ứng dụng. Quán đối tác chính thức sẽ có dấu tích xanh (đối với Grab) và hình chiếc khiên vàng (đối với Shopee Food), thể hiện sự uy tín hơn so với các quán đang chạy thử.
2. Tối ưu tên gian hàng trên ứng dụng
Đặt tên cho quán rất quan trọng. Việc này sẽ giúp khách hàng tìm thấy quán của bạn nhanh chóng hơn. Tên gian hàng trên ứng dụng được đặt theo công thức sau:
Tên quán = Tên món chính – Tên thương hiệu – Địa chỉ
Trong đó:
- Tên món chính: giúp khách mua hàng tìm thấy tên quán của bạn khi tìm từ khóa theo tên món ăn mà họ đang có nhu cầu. Ví dụ như Cơm thố, Trà sữa, Bún bò…
- Tên thương hiệu: là tên của quán. Nếu quán của bạn có cửa hàng bán trực tiếp, hãy dùng luôn tên đó. Còn nếu quán của bạn chỉ bán online, bạn hãy đặt một cái tên thật độc đáo. Bạn có thể xem bài viết 1001 Cách đặt tên quán hay và độc đáo nhất.
- Địa chỉ: Địa chỉ trên tên quán thường là tên khu vực, con phố mà quán đặt tại đó để khách hàng dễ dàng tìm được quán ở gần mình nhất để giao hàng nhanh hơn và tiền ship rẻ hơn. Ví dụ như Đào Tấn, Ngọc Khánh, Trần Huy Liệu (tên những con phố của Hà Nội)
Một số tên gian hàng trên app giao đồ ăn mà bạn có thể tham khảo:
- Bánh mì Minh Nhật – Ngọc Khánh
- Trà sữa Tocotoco – Đào Tấn
- Savor – Bánh mì & trà sữa – Đội Cấn
- Tmore- Tiệm Trà Chanh – Đốc Ngữ
3. Tối ưu thực đơn bán online
Khi đưa các món ăn/ đồ uống trong menu của quán lên bán trên ứng dụng, bạn không nên đưa hết tất cả các món trên menu bán tại quán lên menu online. Tạo một thực đơn tối ưu cũng cần có một chiến lược đúng đắn.
Số lượng món trên menu bán trên app thường từ 15 – 30 món hoặc ít hơn tùy vào menu của quán. Tuy nhiên, bạn nên đưa những món Best Seller hoặc những món khuyến mãi, món nổi bật của quán lên đầu để thu hút khách hàng đặt món khi vào gian hàng của bạn trên ứng dụng. Dưới đây là một số gợi ý khi tạo thực đơn trên gian hàng online:
- Món khuyến mại: chiếm 15%: chọn những món có giá cost rẻ, quán có thể tham gia các chương trình khuyến mãi deal 1 đồng trên ứng dụng.
- Món Best Seller: chiếm 20%: đây là những món đặc trưng của quán, những món được khách hàng ưa thích, món làm nên thương hiệu của quán.
- Món mang lại lợi nhuận cao: chiếm 20%: là những món mang lại doanh thu chính cho quán.
- Món đại trà: chiếm 45%: chọn món trong menu của quán thuộc những loại đồ ăn, thức uống khác nhau. Ví dụ như chọn món thuộc nhiều loại: cafe, trà, hoa quả…
4. Chọn hình ảnh món bắt mắt
Hình ảnh các món trong thực đơn trên gian hàng online trên Grab, Shopee Food, Baemin cần được sử dụng ảnh thật chụp món ăn/ đồ uống của quán chế biến ra. Hình ảnh cần thể hiện chính xác nhất sản phẩm mà khách hàng nhận được, không nên sử dụng các hình ảnh tải từ trên mạng xuống của các hàng quán khác.
Ngoài ra, nên chọn hình ảnh món ăn/ đồ uống đẹp và sắc nét, có bố cục cân đối. Ảnh menu món ăn sẽ có kích thước ảnh vuông. Do đó, quán cần chuẩn bị ảnh món ăn có kích thước 1000×1000 px và nặng dưới 200kb.
5. Viết tên món và mô tả sản phẩm hấp dẫn
Tên món cần ngắn gọn và rõ ràng, dễ hiểu và mang đặc điểm nổi bật của món đó. Không nên chọn những tên quá hoa mỹ hay tên nước ngoài, gây khó hiểu cho khách hàng. Phần mô tả sản phẩm, quán nên ghi ngắn gọn các thành phần của món ăn, đồ uống đó để khách hàng dễ chọn lựa món hợp sở thích.
Ví dụ đối với món Trà sữa Ba Anh Em của Tocotoco có phần mô tả là: Hồng trà tươi Phú Thọ đạt chuẩn Châu Âu hòa cùng vị sữa hài hòa, thêm trân châu hoàng kim dẻo bùi và rau câu sương sáo thanh mát cùng bánh Pudding mềm mịn.
6. Tăng đánh giá 5 sao cho gian hàng
Điểm đánh giá và số lượng bình luận thể hiện độ uy tín cho shop online của bạn. Bạn có thể để một chiếc card in lời cảm ơn vào cùng đơn hàng. Trên chiếc card đó có thể nhờ khách hàng đánh giá 5 sao cho shop và để lại một vài lời nhận xét tích cực.
Càng nhiều lượt đánh giá và điểm đánh giá càng cao, gian hàng của bạn sẽ càng trở nên uy tín và làm cho khách hàng tin tưởng. Khi tìm kiếm để đặt món, khách hàng sẽ ưu tiên tìm kiếm các shop được đánh giá cao và nhiều feedback tốt.
7. Đa dạng hình thức thanh toán
Khi trở thành đối tác chính thức của các app đặt đồ ăn, quán nên đăng ký thêm phương thức thanh toán qua ví điện tử để khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán, ngoài phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng.
8. Chương trình khuyến mại
8.1. Tham gia chương trình khuyến mại có sẵn
Các app giao hàng thường có rất nhiều những chương trình khuyến mại khác nhau để quán đăng ký tham gia để cho thêm đơn hàng, tăng độ phủ thương hiệu và doanh thu nhanh chóng.
Đơn cử như đối với Grab, GrabFood thường xuyên có các mã giảm giá, Freeship hay các chương trình món 0 đồng, món đồng giá. Chủ quán có thể theo dõi và đăng ký tham gia.
8.2. Tự tạo chương trình khuyến mãi
Khi trở thành đối tác chính thức của các app đặt đồ ăn, quán có thể chủ động tạo chương trình khuyến mãi cho quán dễ dàng để thúc đẩy đơn hàng và tăng doanh thu bất cứ khi nào. 4 hình thức khuyến mãi mà quán có thể tạo như: giảm giá theo phần trăm, theo số tiền cụ thể, tặng mã freeship, tặng món 0 đồng.
Dưới đây là bảng tổng hợp các hình thức khuyến mãi mà quán có thể tham khảo:
Lưu ý khi tối ưu chương trình khuyến mãi cho shop online:
- Tạo khuyến mãi cho món nổi bật/ bán chạy nhất trong thực đơn: Quán có thể tạo khuyến mãi cho combo món để thúc đẩy khách hàng mua nhiều hơn 1 món.
- Tận dụng thời gian ngoài khung giờ cao điểm để tạo khuyến mãi: Quán có thể chạy chương trình giờ vàng giảm giá ngoài giờ cao điểm mua hàng để kích thích khách đặt đơn trong khung giờ này.
- Khi nào thì chọn giảm giá phần trăm hay theo giá tiền? Giảm giá theo % sẽ hấp dẫn hơn khi áp dụng cho đơn hàng có giá trị thấp hoặc đồ uống. Giảm giá trực tiếp bằng tiền sẽ phù hợp với các món ăn có giá trị cao.
- Áp dụng khuyến mãi với món mới: Các món mới trong Menu sẽ bán tốt hơn khi chạy khuyến mãi từ 30% trở lên.
Trên đây là các cách tối ưu gian hàng của các nhà hàng, quán cafe trên các app đặt đồ ăn online như Grab, Shopee Food, Baemin… Các quán hãy tối ưu gian hàng online của mình theo các hướng dẫn trên để quán của mình trở thành đối tác chính thức và tăng độ uy tín với khách hàng. Hơn nữa, quán sẽ tăng độ phủ thương hiệu cũng như hiển thị khi khách hàng tìm kiếm, từ đó lượng đơn đặt hàng và doanh thu của quán sẽ tăng trưởng nhanh chóng.